Chúng tôi đến thăm vườn nho của anh Hà có địa chỉ tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vào một ngày cuối tháng 6. Đứng trước vườn nho sai trĩu quả, đông đúc du khách thăm quan trải nghiệm và mua nho, không ai có thể nghĩ rằng đã có lúc anh Hà định chặt bỏ cả 4000 gốc nho để chuyển hướng sang cây trồng khác.

Anh Hà chủ vườn nho cho biết, sau khi khi thử nghiệm với nhiều loại cây trồng như lúa, ớt, bí xanh,… và không thu được hiệu quả như mong muốn. Anh Hà tìm hiểu và chuyển sang mô hình trồng nho. Năm 2019, anh Hà mua cây giống nho Hạ đen từ các điểm bán lẻ trên thị trường để trồng. Anh Hà bỏ vốn đầu tư trồng 4000 cây nho trên diện tích khoảng 1ha. Phía nhà cung cấp cây giống ban đầu có cam kết hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên sau 2 năm, đến năm 2021 vườn nho vẫn không có quả, anh Hà định phá vườn trồng cây khác, nguy cơ mất trắng khoản tiền đầu tư hàng trăm triệu đồng. Sau đó, tình cờ anh Hà xem được phóng sự trên kênh VTC16 về việc chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây nho Hạ đen tại Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang nên đã lên tận trường đặt vấn đề mời cán bộ kỹ thuật Nhà trường về hướng dẫn. Từ tháng 3/2021, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang cử cán bộ về khảo sát và hướng dẫn kỹ thuật thì đến tháng 12/2021, vườn nho của anh Hà thu vụ quả đầu tiên sau gần 3 năm xuống giống. Đến tháng 6/2022, vườn nho thu vụ quả thứ 2. Là mô hình nông nghiệp mới của tỉnh Phú Thọ, bên cạnh việc phát triển thương mại giống nho Hạ đen, trong thời gian qua anh Hà cũng đã đầu tư phát triển du lịch. Mỗi ngày, vườn nho của anh thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan, chụp ảnh, tự tay trải nghiệm hái những chùm nho căng mọng. Bên cạnh thu nhập từ bán nho tươi với giá bình quân 150.000 đ/1kg, việc mở cửa đón khách thăm quan cũng đem lại thu nhập lên đến gần một trăm triệu đồng cho chủ vườn.


Tương tự như trường hợp của anh Hà, vườn nho của chị Hoa ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trồng 2000 gốc nho trên diện tích 5000 mét vuông. Sau một thời gian chăm sóc mất nhiều công sức mà không ra quả. Qua các phương tiện truyền thông chị đã liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang để nhờ hướng dẫn kỹ thuật. Sau 6 tháng kể từ được cán bộ Trung tâm hướng dẫn, vườn nho đã cho vụ quả đầu tiên, sau 1 năm cho vụ quả thứ 2 với sản lượng và chất lượng tốt ngoài mong đợi.

Thạc sĩ Phùng Duy Hiếu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang cho biết: “Hạ Đen là giống nho khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý. Yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt bởi cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng…Đối với các cây trồng khác có mùa vụ chăm sóc sau đó là nghỉ ngơi nhưng với nho Hạ Đen từ thời điểm xuống giống cho đến lúc được thu, không có ngày nào là không phải chăm. Trong thời gian cây lớn liên tục phải ngắt ngọn, cứ ra 5 lá 1 lần, đồng thời tỉa chồi nách để thân cây to thêm. Sau khi cây cao chừng 1m phải phân nhánh cành cấp 1, sau đó lại phân nhánh cành cấp 2, phải buộc cành đồng thời liên tục bấm tỉa chồi nách, ngắt ngọn tiếp.” Tóm lại, để có được một vườn nho đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cần hội tụ đủ các yếu tố: cây giống đảm bảo chất lượng; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và sự chăm chỉ, chịu khó của bà con nông dân.
Đại Dương